Bắc Kinh chưa từng chia sẻ hộp đen số liệu vận hành đập ở thượng nguồn Mekong và lượng nước xả xuống hạ lưu.
Một báo cáo nghiên cứu về sông Mekong của Trung tâm Nghiên cứu Stimson (Mỹ) công bố hồi tháng 4 dựa trên dữ liệu từ công ty Eyes on Earth Inc (Mỹ) chuyên nghiên cứu về nước đã bóc vỡ “hộp đen bí mật” mà Trung Quốc luôn che giấu các quốc gia ở hạ lưu con sông Lan Thương.
Trung Quốc đã trữ nước của sông Lan Thương nhiều hơn lượng xả ra cho các quốc gia lưu vực sông Mekong. Ảnh minh họa |
Theo thông tin được ông Brian Eyler, thành viên cấp cao và Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson chia sẻ hôm 7/5, các nhà nghiên cứu đã cung cấp các bằng chứng khoa học dựa trên các dữ liệu nghiên cứu và phép đo vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã sử dụng 11 con đập mà nước này xây dựng trên sông Mekong kể từ đầu những năm 1990 đến nay để tích trữ một lượng nước ở thượng nguồn và hạn chế nước chảy xuống hạ du.
Báo cáo mang tên “Trung Quốc đã chặn dòng nước sông Mekong như thế nào” nêu rõ, việc giảm lượng nước rất lớn chảy xuống hạ nguồn như vậy đang gây ra những thay đổi thất thường của dòng sông và tác động tiêu cực đến mực nước ở hạ nguồn.
Tần suất và mức độ nghiêm trọng của tình trạng hạn hán ở hạ lưu đã tăng lên trong hai thập niên qua, tương ứng với việc Trung Quốc hạn chế dòng chảy ở thượng nguồn trong mùa khô, khiến Thái Lan, Campuchia và Việt Nam hứng chịu những đợt hạn hán rất nghiêm trọng.
Dựa trên nghiên cứu mới của công ty Eyes on Earth sử dụng bằng chứng thực tế là số liệu trạm đo của Ủy ban sông Mekong kết hợp với công nghệ viễn thám từ năm 1992 đến 2019, các nhà nghiên cứu Mỹ cho hay, có thể xác nhận chắc chắn rằng, tình trạng hạn hán đang diễn ra là kết quả của chính sách quản lý nước của Trung Quốc.
Nghiên cứu đã cho thấy các thời điểm Trung Quốc hạn chế nước xả xuống hạ lưu, việc hạn chế lượng nước này kéo dài trong bao lâu và lượng nước khổng lồ mà Trung Quốc hạn chế trong gần 3 thập niên qua.
“Phát hiện của Eyes on Earth cho thấy tổng lượng nước được xả trong 30 năm qua cộng lại vẫn ít hơn nhiều so với tổng lượng nước tích trữ” – báo cáo viết.
Trung tâm Stimson cho hay, phát hiện quan trọng nhất của báo cáo là, các dữ liệu nghiên cứu mới cho thấy trong đợt hạn hán nghiêm trọng ở hạ lưu sông Mekong từ năm 2019 đến nay, khu vực thượng nguồn của Trung Quốc lại có lượng mưa và tuyết tan lớn bất thường. Các đập ở thượng nguồn của Trung Quốc đã chặn hoặc hạn chế gần như toàn bộ lượng mưa và tuyết rơi kỷ lục này chảy về hạ du.
Nghiên cứu cho thấy, nếu các con đập của Trung Quốc không hạn chế dòng chảy, lượng mưa và tuyết tan ở thượng nguồn đủ để giữ mực nước ở phần lớn hạ du trên mức trung bình từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020 thay vì bị khô hạn nặng nề.
Các dữ liệu cho thấy lượng mưa và tuyết tan đáng lẽ ra đã có thể giúp giảm bớt tình trạng hạn hán ở hạ du và duy trì mực nước sông trên trung bình, thì trên thực tế, dòng sông gần như khô cạn.
Nghiên cứu cũng là bằng chứng khoa học bác bỏ nhận định của Trung Quốc tại một cuộc họp đầu năm 2020 cho rằng, “thiếu mưa là nguyên nhân chính của hạn hán” và cho biết Trung Quốc cũng đã phải chịu tình trạng này.
Nước là tài nguyên có chủ quyền?
Báo cáo của Trung tâm Stimson cho rằng, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc coi nước là tài nguyên có chủ quyền chứ không phải là tài nguyên chung, cần được chia sẻ một cách công bằng cho các bên liên quan ở hạ nguồn. Theo Trung tâm Stimson, cách tiếp cận này ảnh hưởng đáng kể đến các quốc gia ở hạ nguồn.
“Trung Quốc coi dữ liệu về lưu lượng nước và hoạt động thủy điện là bí mật quốc gia. Sự thiếu minh bạch này cho phép Trung Quốc đưa ra luận điệu về việc phải chịu chung trình trạng hạn hán và đưa ra cơ sở chung để Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia hạ nguồn” – báo cáo có đoạn.
Chuyên gia Brian Eyler nhận định rằng, trong nhiều thập niên qua, các thông tin do Trung Quốc cung cấp về việc vận hành các con đập ở thượng nguồn Mekong và lượng nước xả xuống hạ lưu được xem là bí mật quốc gia, được ví như ‘hộp đen’ và không chia sẻ với các quốc gia ở hạ nguồn.
Tuy nhiên, với sự giao lưu khoa học và công nghệ vệ tinh đã phá vỡ những che giấu đó.
“Thời kỳ được gọi bí mật ấy đã qua rồi” – chuyên gia Eyler nhấn mạnh.
Ông Brian Eyler, thành viên cấp cao và Giám đốc Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson |
Ông Alan Basist, Giám đốc Công ty Eyes on the Earth cho hay: “Thông qua nghiên cứu một cách độc lập, chúng tôi đã làm rõ rằng giới khoa học có thể sử dụng dữ liệu vệ tinh như thế nào để đo lượng nước ở lưu vực sông Mekong và cung cấp dữ liệu thời gian thực cho các quốc gia để họ thấy rằng họ bị ảnh hưởng như thế nào. Qua đó, các quốc gia có thể phối hợp để phải cùng chia sẻ tài nguyên nước”.
Báo cáo của Stimson cho rằng, mặc dù không thể thay đổi sự tồn tại của những con đập ở thượng nguồn nhưng Trung Quốc có thể và nên thay đổi cách vận hành. Nghiên cứu này tạo cơ hội cho các quốc gia ở hạ nguồn và Ủy hội sông Mekong trao đổi với Trung Quốc về các cách thức quản lý nước một cách hiệu quả trong lưu vực sông Mekong.
Khi đã có dữ liệu rõ ràng về thời gian và địa điểm nước bị tích trữ hoặc xả ra, các cuộc thảo luận với Trung Quốc có thể dựa trên dữ liệu và phân tích dựa trên bằng chứng thay vì dựa trên những thông tin không chắc chắn và sự suy đoán.
Theo Baodatviet.