Jakarta lên án những gì họ gọi là sự đối xử “vô nhân đạo”, “như nô lệ” của một công ty đánh cá Trung Quốc với công dân Indonesia, dẫn đến cái chết của ít nhất 3 người trong số họ.
Trong cuộc họp báo trực tuyến từ thủ đô Jakarta hôm 10/5, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi nói 49 thuyền viên Indonesia, tuổi từ 19 đến 24, đã bị ép buộc làm việc trung bình hơn 18 giờ một ngày trên ít nhất 4 tàu đánh cá Trung Quốc.
Bà Marsudi cho biết một số thuyền viên hoàn toàn không được trả lương hoặc không nhận được số tiền họ đã thống nhất. Tình trạng làm việc không ngơi nghỉ và điều kiện tồi tệ trên con tàu đã gây ra bệnh tật cho các thuyền viên, khiến ít nhất 3 công dân Indonesia tử vong và thi thể họ bị thả xuống biển trên Thái Bình Dương.
“Chúng tôi lên án sự đối xử vô nhân đạo với các thuyền viên của chúng tôi làm việc tại công ty đánh cá Trung Quốc”, bà Marsudi nói, theo AP. “Dựa trên thông tin từ các thuyền viên, công ty này đã vi phạm nhân quyền”.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Ảnh: AFP. |
Bà Marsudi cho biết gần như tất cả thuyền viên Indonesia trên 4 tàu cá Trung Quốc đã được hồi hương sau khi trải qua quá trình cách ly bắt buộc vì đại dịch virus corona tại một khách sạn ở thành phố Busan của Hàn Quốc, nơi các tàu đã cập cảng sau 13 tháng trên biển.
Động thái diễn ra sau khi truyền thông địa phương Hàn Quốc đăng tải các đoạn video khiến công chúng phẫn nộ.
Hôm 5/5, một ngư dân Indonesia không rõ tên nói với đài truyền hình MBC của Hàn Quốc về việc họ bị đối xử bất công nhận khi làm việc trên các tàu cá Trung Quốc. Nhà đài cũng phát sóng một đoạn video cho thấy thi thể một thuyền viên Indonesia khác bị ném xuống biển từ một trong các tàu.
Hai ngư dân Indonesia khác qua đời trước đó cũng bị thả xuống biển, và một số thuyền viên bị bệnh hơn một tháng nhưng không được chăm sóc y tế, thuyền viên trên cho hay.
Các thuyền viên đã nhận được chưa tới 300 USD cho một năm làm việc, trong khi hợp đồng họ ký nói họ sẽ được nhận 300 USD mỗi tháng, theo một nhóm luật sư Indonesia đại diện cho 14 trong số 49 thuyền viên.
Bà Marsudi cho biết chính phủ Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến vụ việc và chính quyền 2 nước sẽ tiến hành một cuộc điều tra chung về các cáo buộc chống lại công ty đánh cá Trung Quốc.
“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng công ty này phải thực hiện các quyền của thuyền viên chúng tôi”, bà nói.
Theo Zing.