Hôm qua, Công ty bán máy xét nghiệm Covid-19 cho Sở Y tế Quảng Nam đã xin được giảm giá máy từ 7,2 tỷ xuống 4,8 tỷ đồng.
Xung quanh câu chuyện mua bán máy xét nghiệm Realtime PCR để phục vụ việc chống dịch Covid-19 trên toàn quốc, mấy ngày gần đây bỗng có nhiều câu chuyện khá là kỳ lạ. Mới đây nhất, vào ngày hôm qua, 29/4, Công ty cổ phần thương mại và đầu tư Giải Pháp Việt đã xin được giảm giá máy (đã bán) cho Sở Y tế Quảng Nam từ 7,2 tỷ xuống còn 4,8 tỷ đồng.
Họ lý giải: mặc dù máy nhập về giá đầu vào theo chào hàng lần đầu từ công ty nhập khẩu thiết bị đối với riêng hệ thống máy xét nghiệm là 5,2 tỉ đồng, chi phí hóa chất 550 triệu đồng, các chi phí khác khoảng 50 triệu đồng nhưng công ty vẫn chấp nhận chịu lỗ để “chung tay đóng góp với cuộc chiến chống Covid”.
Đây thực sự là một chuyện bất ngờ với nhiều người, bởi từ chỗ có lợi nhuận sau thuế là hơn 1 tỷ đồng thông qua việc bán máy, công ty này đã chấp nhận thực hiện hợp đồng với mức giá 0 đồng lợi nhuận, thêm vào đó còn chấp nhận lỗ khi giá đầu vào đã là 5,2 tỷ đồng.
Trước đó, tại Quảng Ninh, Sở Y tế tỉnh này đã ký hợp đồng với liên danh nhà thầu Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu y tế Việt – Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao mua thiết bị Realtime PCR giá 8,4 tỉ đồng. Tuy nhiên sau cuộc làm việc với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an, Sở này đã ký phụ lục hợp đồng, giảm xuống còn 7 tỉ đồng. Về số tiền Sở đã chuyển tạm ứng 4,2 tỉ đồng cho bên trúng thầu, đến ngày 21-4 bên trúng thầu đã hoàn lại 4,2 tỉ này.
Như vậy có thể thấy, cái giá mà các bên đưa ra trong cuộc mua bán máy xét nghiệm này không hề cứng nhắc, trái lại chúng rất linh hoạt, mềm dẻo và có thể du di cho nhau theo kiểu “tình thương mến thương”.
Trước khi có vụ bắt Giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm thì đó chỉ là một cuộc mua bán thông thường theo kiểu “tiền trao cháo múc”, còn sau khi có vụ bắt tạm giam gây chấn động đó, đồng thời có sự vào cuộc của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thì bỗng nhiên, chúng ta lại được chứng kiến quá nhiều tấm lòng tốt đẹp, thơm thảo.
Các doanh nghiệp sẵn sàng hạ giá xuống hơn 1 tỷ đồng cho 1 hợp đồng, thậm chí có doanh nghiệp còn chịu lỗ để chung tay đóng góp với công cuộc phòng chống dịch bệnh, bán dưới giá nhập vào. Tuy nhiên, giá như những hành động này diễn ra tự nhiên, bình thường, không phải vì một “sức ép” nào đó từ vụ CDC Hà Nội thì người dân sẽ rất lấy làm cảm động.
Có hay không chuyện lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thiết bị, có hay không sự bắt tay “thổi giá” giữa bên mua và bên bán để kiếm lời ngay trong lúc cả nước đang căng mình chống dịch? Những câu hỏi này, với sự vào cuộc của Bộ Công an, chắc chắn sẽ sáng rõ trắng đen.
Điều đáng buồn nhất của câu chuyện “loạn giá máy xét nghiệm” này, không phải là ở chỗ những đồng tiền góp nhặt, chi chút của người dân đóng góp phòng chống dịch bệnh bị mất đi, cái mất mát lớn hơn nhiều, cay đắng hơn nhiều. Đó là lòng tin của người dân vào một số đơn vị đang tham gia tuyến đầu phòng chống dịch.
Chỉ 1 vụ án đã khởi tố ở CDC Hà Nội, người dân giờ thấy nghi ngờ những hợp đồng mua bán máy, nhất là chuyện giá cả loạn lên, nay bán đắt mai lại đòi tự xin hạ giá để chịu lỗ. Đâu là “lòng tốt thật”, đâu là “lòng tốt rởm”, có khó nhận biết lắm không thưa các quý độc giả?
Theo Mi An – Baodatviet.