Thay vì quy định bật đèn cả ngày thì Bộ GTVT nên yêu cầu các nhà sản xuất phương tiện giao thông giảm khí thải, tiếng ồn của động cơ.
Ngày 9/5/2020, BS.TS Nguyễn Đình Sáng – Bệnh viện Mắt trung ương bày tỏ sự không đồng tình trước đề xuất của Bộ GTVT khi đưa quy định xe máy phải liên tục bật đèn khi tham gia giao thông trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Theo ông Sáng, việc bật đèn liên tục khi tham gia giao thông giúp cho người khác có thể nhận diện tốt hơn các phương tiện khác trên đường nhưng nếu về lâu dài, người đi đối diện nhìn thẳng vào đèn led quá nhiều có thể gây hại tới võng mạc.
“Các loại xe máy hiện nay chủ yếu sử dụng đèn led chiếu sáng. Loại ánh sáng của đèn led chủ yếu được cấu thành từ ánh sáng tím và ánh sáng xanh lam, đây là hai màu ánh sáng có bước sóng ngắn và khá mạnh. Nếu tiếp xúc trực tiếp với mắt người trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất lớn tới võng mạc và gây suy giảm khả năng nhìn” – BS.TS Nguyễn Đình Sáng cho biết.
Quy định các phương tiện phải bật đèn liên tục trong lúc di chuyển là không cần thiết. |
Vị bác sĩ này cho biết thêm, mắt người nếu nhìn thẳng vào đèn led khoảng 10 giây đồng hồ trở lên sẽ có thể dẫn tới ảo ảnh, điều này sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
“Bật đèn xe liên tục vào ban đêm hay trong điều kiện thời tiết sương mù, mưa giông… là điều hiển nhiên. Nhưng nếu bật cả lúc trời nắng, nhất là khi người điều khiển phương tiện bật “đèn pha – chiếu thẳng” thì sẽ tạo thêm ánh sáng chói lóa, ảnh hưởng tới chất lượng quang học và tạo thêm cảm giác nóng bức cho người tham giác nóng bức cho người tham gia giao thông” – ông Sáng nói.
Còn chuyên gia giao thông TS Hoàng Văn Bình cho rằng, quy định xe máy phải bật đèn suốt trong quãng thời gian di chuyển sẽ khó đi vào thực tế, không cần thiết.
“Trong từng hoàn cảnh và tùy vào mỗi người tham gia giao thông mà họ có sự cảm nhận về ánh sáng khác nhau. Với những người bị tật về mất thì việc người khác bật đèn là điều cần thiết để họ có thể nhận diện được nhưng với người có mắt bình thường, trong điều kiện ánh sáng bình thường thì họ có thể nhận diện được khoảng cách xa tới hàng chục mét. Trong khi đó, đã có quy định người tham gia giao thông đi cách nhau từ 3 – 5 mét, tốc độ tối đa trên từng đoạn đường để tạo an toàn, đủ thời gian xử lý khi có sự cố xảy ra” – ông Bình cho hay.
Trước ý kiến của đại diện Vụ ATGT – Bộ GTVT vận tải cho rằng việc quy định xe máy bật đèn cả ngày là hướng tới các nhà sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu phải bổ sung đèn nhận diện cho xe máy, ông Bình cho rằng, có nhiều cách khác nhau để các nhà sản xuất đưa ra công nghệ nhận diện cho xe máy chứ không phải bật đèn cả ngày.
“Thay vì việc quy định bật đèn cả ngày như thế thì cơ quan quản lý nên chú trọng vào việc giảm tiếng ồn, khí thải đối với phương tiện giao thông. Hơn nữa, điều này nên quy định với các nhà sản xuất, lắp ra phương tiện chứ không nên nhắm tới đối tượng thực hiện là người tham gia giao thông” – ông Bình nói.
Theo Baodatviet,