Home Tin tức Thế giới đó đây Vá lốp không xăm – Giải pháp tại nhà ai cũng cần biết.

Vá lốp không xăm – Giải pháp tại nhà ai cũng cần biết.

0
Vá lốp không xăm – Giải pháp tại nhà ai cũng cần biết.

Lốp không săm xe tay ga, xe PKL – Giải pháp vô cùng quan trọng, Cách khắc phục, Cách vá tốt nhất

Lốp không săm là công nghệ mới được chế tạo với độ chính xác cao. Mép ghép cực kỳ căng và chính xác của vành với lốp sẽ rất dễ bị sai, hỏng khi tháo lắp thủ công. Do vậy, việc vá những vết thủng trên bánh xe cũng thay đổi theo cách mới.

Với những lỗ thủng đường kính không quá 6 mm nằm trên mặt đáy lốp, có 2 cách thông dụng để khắc phục như sau:

Cách 1 (Tự vá): Lồng dây cao su vào lỗ thủng.(Rất tốt cho trường hợp bị bất chợt trên đường đi).
Phương pháp thứ nhất có tên gọi là vá dùi, dụng cụ gồm dùi nong lỗ thủng, dùi xâu dây cao su, keo và dây cao su non. Đầu tiên, kiểm tra kỹ mặt ngoài lốp xe để phát hiện hết các lỗ và tác nhân gây thủng (đinh, thuỷ tinh…), rút chúng ra khỏi lốp. Chấm dùi nong vào keo cho trơn rồi làm gọn mép vết thủng, rộng thêm một chút nếu lỗ quá nhỏ so với tiết diện dây cao su non. Bước tiếp theo, nhúng keo và lồng dây vào dùi xâu, gập đôi qua đầu dùi rồi đút ngập dây qua lỗ. Khi rút dùi ra để đầu dây gấp ở lại trong lòng lốp, cắt 2 đầu thừa phía ngoài. Sau vài phút bắt đầu bơm hơi từ từ vào lốp cho đến áp suất chuẩn cho loại lốp đó.

Các hiệu sửa xe thường thu của khách khoảng 10.000 đồng một nốt vá dùi, còn giá của một bộ dụng cụ dùng cho lái xe tự vá là 70.000 đồng. Có thể áp dụng phương pháp này để vá lốp không săm ngay ở trên xe.

Cách 2: là bơm keo chống thủng lốp.
Áp dụng với loại không săm hoặc bộ săm lốp mới thông thường. Đây là dạng crếp ngâm trong dung môi dễ bay hơi, ở trong lòng lốp xe kín chất này có dạng lỏng và liên tục bị văng bám vào thành lốp bởi lực ly tâm khi bánh xe quay. Khi xuất hiện lỗ thủng trên mặt lốp, keo theo đó tràn ra ngoài và lập tức bay hơi rồi đặc quánh lại vá kín lỗ thoát khí. Ngoài tác dụng vá lỗ thủng, keo còn điền đầy các mép tiếp xúc giữa vành và lốp, giữ kín hơi và bảo vệ lốp lâu dài.

Một lọ keo 200 ml đủ cho một lốp xe máy có săm, loại không săm thì cần bơm 2 lọ, còn lốp xe du lịch dùng hết 3 lọ loại này. Keo được bơm trực tiếp vào lốp bằng cách tháo ty van hơi ra và bơm keo vào trong.Sau đó, lắp lõi ty trở lại và quay đều lốp vài vòng, nếu là bánh chủ động thì nổ máy gài số cho bánh xe quay, láng đều keo trong lòng lốp. Dân thợ chuyên vá lốp không săm thường khuyên khách hàng dùng hàng nội vì chúng có chất lượng đảm bảo và giá rẻ.

Một lọ Seastar giá khoảng 15.000 đồng, được bán tại những cửa hàng chuyên về lốp không săm, giá dịch vụ bơm keo một lốp là 2.000 với xe máy và 5.000 đồng với ôtô. Các nhà sản xuất keo thường quảng cáo tác dụng của chúng kéo dài đến hết tuổi thọ lốp xe. Nhưng giới thợ khuyên cánh lái xe nên đổ keo mới sau mỗi 4 tháng hoặc 10.000 km, vì thực tế keo sẽ bị khô hoặc lão hóa trong thời hạn này.

Trên thị trường hiện có cả keo chống thủng lốp của Trung Quốc với giá bán rẻ hơn hàng nội nhưng hầu như không có tác dụng. Còn loại của Thái có dung tích 400 ml, đủ cho 1 lốp xe máy không săm, giá bán khoảng 80.000 đồng. Hầu hết các doanh nghiệp cao su trong nước đều sản xuất sản phẩm này với chất lượng khá đảm bảo, giá bán khoảng 12.000-15.000 đồng/ 200 ml, tại các đại lý hoặc cửa hàng giới thiệu sản phẩm của họ.

Cách 3: Vá trong(cần ra tiệm sửa xe chuyên nghiệp, họ có máy tháo lốp.)

Khi mang xe ra tiệm để vá trong thì nên nhớ lựa những tiệm lớn, uy tín để vá vì những chỗ ấy đa phần người ta làm chuyên nghiệp nên kỹ, và hạn chế việc trầy xước xe cũng như cong mâm.

Người ta sẽ tháo bánh xe ra và bắt đầu mài nhẹ chỗ thủng bên trong, sau đó tra keo và vá 1 miếng vá từ bên trong, sau đó ép nhiệt cho lớp vá hoàn toàn dính vào vỏ xe.

Cách này hơi tốn thời gian nhưng đảm bảo những vết thủng dài khoảng 5mm trở xuống rất an toàn hiệu quả.

Tóm lại, nếu có điều kiện thì thay vỏ là tối ưu nhất. Còn không thì cứ áp dụng 1 trong 3 cách này sẽ tiết kiệm được ít tiền làm việc khác.

Bài viết khác tham khảo:

Một điểm khác biệt khá lớn giữa lốp không săm và lốp có săm chính là khả năng giữ hơi khi bị thủng do cán đinh. Nếu như lốp có săm ngay lập tức xì hơi khi bị thủng thì lốp không săm sẽ giữ chiếc đinh hoặc dị vật trong lớp cao su rồi xì hơi một cách từ từ. Nhờ đó, người lái sẽ vẫn có đủ thời gian để tìm đến nơi vá lốp.

Nhược điểm của lốp có săm là sẽ bị xì hơi ngay khi cán đinh.

Bên cạnh giá thành cao, lốp không săm còn có một yếu điểm khác, đó là đòi hỏi máy móc chuyên dụng để vá. Điều này sẽ gây khó khăn cho người lái xe khi đi xa vì không phải cửa hàng nào cũng có đầy đủ thiết bị để vá. Tính trước được điều này, các nhà sản xuất xe máy đã cung cấp bộ vá lốp không săm mini để người lái xe có thể sử dụng ngay khi phát hiện lốp bị cán đinh.

Nguồn: VNexpress. Tham khảo otofun.