Home Tin tức Thế giới đó đây Nhiều nơi đã có khí hậu quá nóng, con người không thể sống nổi

Nhiều nơi đã có khí hậu quá nóng, con người không thể sống nổi

0
Nhiều nơi đã có khí hậu quá nóng, con người không thể sống nổi
Nhiều nơi đã có khí hậu quá nóng, con người không thể sống nổi

Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, nguy cơ khí hậu ở nhiều vùng trên trái đất sẽ trở nên quá nóng và quá ẩm khiến con người không thể sống được đã không còn chỉ là nguy cơ của tương lai. Ngay ở thời điểm hiện tại một số vùng đã có khí hậu khiến con người không tồn tại được rồi. Những chỉ số thời tiết, nhiệt độ và độ ẩm cao chưa từng có, thứ mà nhiều nhà khoa học nghĩ rằng khó có thể tồn tại giờ đã trở thành hiện thực phũ phàng.

Tinhte_Khihau1.jpg

Trên thang heat-index, thông số mô tả “cảm giác” nhiệt độ đối với con người ở một số vùng đã chạm ngưỡng 46 độ C, tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ 1979 đến 2017. Bản thân nhiệt và độ ẩm cao là bộ đôi vô cùng nguy hiểm, vì độ ẩm cao khiến cơ thể con người trở nên khó thoát mồ hôi hơn, một trong những cơ chế hạ nhiệt tự nhiên của cơ thể. Những gì nghiên cứu khoa học này chỉ ra cho thấy, điều kiện thời tiết cực đoan mà các nhà khoa học dự báo sẽ xảy ra trong tương lai, nếu không có những biện pháp ngăn chặn biến đổi khí hậu, kỳ thực đã đang hiện hữu ở thời điểm hiện tại rồi.

Radley Horton, đồng chủ biên của nghiên cứu khoa học được đăng trên tờ Science Advances cho rằng: “Có lẽ, chúng ta đang tiệm cận với điểm cực hạn của khí hậu trái đất gần hơn nhiều so với chúng ta nghĩ.” Những nghiên cứu trước đó của ông cho rằng phải vài thập kỷ tới, con người mới phải sống trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm ở ngưỡng khiến cơ thể không thể tồn tại.

Tinhte_Khihau2.jpg

Nhiều nghiên cứu trước đó đều đã chỉ ra rằng, nhiệt độ tăng dần qua từng năm là một trong những tác động của biến đổi khí hậu. Nhưng hầu hết những nghiên cứu ấy đều dựa vào dữ liệu nhiệt độ các vùng trong một khoảng thời gian dài. Thay vì theo dõi biến đổi nhiệt độ qua từng năm, Horton cùng các đồng sự của ông theo dõi dữ liệu được cập nhật theo từng giờ đồng hồ của 7.877 trạm khí tượng trên toàn thế giới. Họ sử dụng hệ thống đo đạc “wet bulb”, bên cạnh đo nhiệt độ không khí và độ ẩm, nó còn có thể theo dõi tốc độ gió và bức xạ từ mặt trời.

Đó là cách các nhà khoa học phát hiện ra hơn 1.000 trạm khí tượng đang trả về kết quả cho thấy ở khu vực đó con người phải chịu đựng nhiệt độ và độ ẩm cao vượt ngưỡng 31 độ C, số liệu mà họ từng nghĩ rằng rất hiếm. Dọc Vịnh Ba Tư, họ nhận ra hàng chục số liệu đo đạc cho thấy nhiệt độ đã vượt quá ngưỡng 35 độ C, con số tối đa mà cơ thể người có thể chịu đựng được. Heat-index ở đây trả về chỉ số 71 độ C, trong khi heat-index của National Weather Service Mỹ chỉ đo đến chỉ số tối đa là 40 độ C. Đấy là hệ quả của biến đổi khí hậu mà nhiều nghiên cứu trước đây dự báo rằng phải đến giữa thế kỷ XXI mới xảy ra.

TInhte_Khihau3.jpg

Tình trạng nhiệt độ và độ ẩm cực cao cũng xảy ra ở châu Á, châu Phi, Úc, Nam Mỹ và Bắc Mỹ, thường hiện diện ở dọc những bờ biển. Cũng cần nhắc lại rằng, những hình thái thời tiết cực đoan này chỉ xảy ra ở những khu vực phạm vi hẹp, mà cũng chỉ trong vài tiếng đồng hồ, nhưng cường độ và mức độ nghiêm trọng của chúng ngày càng tăng, theo các nhà nghiên cứu.

Theo Horton và các đồng sự, những nghiên cứu về khí hậu trong tương lai cũng nên lấy góc nhìn gần hơn làm trọng tâm, từ đó nắm bắt nhanh hơn tốc độ biến đổi khí hậu và những hậu quả mà nó gây ra, hiểu được những khu vực phải chịu hậu quả của biến đổi khí hậu trước những nơi khác. Một series bài viết của The Washington Post đoạt giải Pulitzer đã chỉ ra rằng, nhiều khu vực trên thế giới đã có nhiệt độ tăng 2 độ C, ngưỡng tối đa mà các thành viên trong hiệp định khí hậu Paris thống nhất để khiến khí hậu trái đất không nóng thêm hoặc vượt qua ngưỡng này.

Tinhte_Khihau4.jpg

Ở một góc nhìn khác, Colin Raymond, nhà nghiên cứu ở NASA thì cho rằng: “Nếu chỉ soi xét vào những khu vực cụ thể, bạn sẽ khó có thể nhìn được bức tranh toàn cảnh. Ở một vài vùng, nhiệt độ trung bình dĩ nhiên cao hơn nhiều so với những vùng lân cận.” Một vấn đề khác với nghiên cứu này, theo ông Raymond, đó là nhiều vùng trên thế giới rất thiếu các trạm khí tượng, những gì Horton cùng các đồng sự làm được không thể thực hiện ở quy mô lớn trên toàn thế giới, vì không đủ công cụ để đo đạc một cách chính xác, lấy số liệu từng địa điểm trên thế giới.

Theo Tinhte.