Ngày hôm qua (30/4/2020), báo “Luận chứng và sự kiện” (Nga) lại cho đăng một bài báo với tiêu đề như trên của một học giả Nga khác là Georgi Zotov. Xin giới thiệu lại cùng bạn đọc để tham khảo. Ảnh, phần viết hoa và in đậm đều là của tác giả.
Sau đây là nội dung bài viết:
Điểm xét nghiệm nhanh trên đường phố để phát hiện coronavirus tại Hà Nội. www.globallookpress.com |
“Liệu Nga có thể học tập kinh nghiệm thành công trong cuộc chiến chống lại bệnh truyền nhiễm (covid-19) của “các đồng chí Việt Nam” không? Đã từng có thời nước Cộng hòa này gần như cái gì cũng học từ chúng ta (Nga). Nhưng bây giờ, có vẻ như, đã đến lúc chúng ta phải học Việt Nam …
Nếu tính về diện tích và quy mô dân số, Việt Nam hoàn toàn không phải là một quốc gia nhỏ kiểu như Singapore: với dân số 96 triệu người, diện tích 331.700 km2- người Việt Nam sống khá chật chội (mật độ dân số cao).
Nếu cứ tuân theo nguyên tắc của người Ý, thì lẽ ra coronavirus đã phải đưa ít nhất là hàng chục ngàn người Việt Nam vào các bệnh viện, tuy nhiên, chuyện này đã hoàn toàn không xảy ra. Trong 3 tháng dịch bệnh tại Việt Nam, chỉ có 270 người bị nhiễm COVID-19, và KHÔNG MỘT AI trong số đó tử vong.
Tại sao Việt Nam lại có thể làm được như vậy, trong khi ở những nước phát triển Châu Âu, Châu Á và Châu Mỹ đã có tới hàng triệu người bị nhiễm loại vi-rút mới nhất này và hàng trăm ngàn bệnh nhân đã chết?
Chúng ta, những người đã từng sống dưới thời Liên Xô, có thể có ai đó nghĩ rằng: Có thể Việt Nam đã che giấu hoặc tô hồng thông tin chăng. Nhưng trên thực tế, tất cả đều là một sự thật thuần khiết.
Những người lính, máy bay không người lái và khẩu trang
Trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên ở Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được ghi nhận vào ngày 23/1/2020- một người đàn ông Trung Quốc lớn tuổi nào đó ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đã đến thăm người con trai của ông ta đang sống ở Hà Nội và làm lây coronavirus cho đứa con trai tội nghiệp của mình.
Cả hai được đưa vào Bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh. Người con trai được xuất viện sau một tuần, còn ông bố được điều trị tại bệnh viện trong 20 ngày.
Chính quyền vừa mới vui mừng thở phào nhẹ nhõm, thì ngay sau đó, những người Việt Nam làm việc tại Trung Quốc lũ lượt kéo nhau về nước. Đến ngày 7/2, đã phát hiện 13 bệnh nhân mắc COVID-19 tại quốc gia này: số người nhiễm tăng nhanh.
Tất cả các trường học đã bị đóng cửa, Đảng Cộng sản (Việt Nam) đã thành lập một ban chỉ đạo chống lại sự lây lan dịch bệnh – ban chỉ đạo này bắt đầu thanh kiểm tra các bệnh viện trong nước, kiểm tra khả năng sẵn sàng đối phó dịch bệnh của các bệnh viện đó.
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn nhất, Việt Nam đã mua các trang thiết bị y tế mới nhất và trang bị cho các bệnh viện (kể cả các máy trợ thở), động viên những bác sĩ giỏi nhất, tăng gấp số lượng giường bệnh.
Việt Nam đã không hề tiếc tiền để chi cho nhiệm vụ chống dịch. Lý do khiến chính quyền Việt Nam hành động như vậy- đó sự bùng phát của dịch SARS năm 2003 – khi đó tại Việt Nam đã có 63 người bị nhiễm bệnh, 5 người trong số đó tử vong.
Mặc dù số lượng ca tử vong như vậy là rất ít, nhưng chính phủ Việt Nam đã rút ra được những kết luận cần thiết: cần phải chặn đứng sự lây lan dịch càng sớm càng tốt và bằng mọi cách thức có thể.
Trước tiên, lệnh cách ly được áp dụng một cách có lựa chọn: phong tỏa những khu vực của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có những người nhiễm COVID-19 và gia đình họ sinh sống.
Bộ đội tuần tra trên các đường phố, các máy bay không người lái có chức năng theo dõi điện tử từ trên không được phóng lên không trung thực hiện nhiệm vụ.
Thực phẩm được chuyển đến những người bị cách ly bằng phương pháp phi tiếp xúc, – tức là đưa đồ ăn đến tận cửa và để đó để sau đó người bị cách ly ra lấy, nhà nước tự bỏ tiền thanh toán toàn bộ khoản tiền ăn (cho người bị cách ly).
Ở Việt Nam không hề có cái cảnh kiểu như ở Matxcova, khi mà một ông khách du lịch nào đó bay từ Ý đến và, nhổ toẹt vào mọi yêu cầu tự cách ly, lượn xe đi thăm hết lượt bạn bè và người thân.
Các cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam theo dõi nắm chắc toàn bộ chuỗi các tiếp xúc của người bị nhiễm bệnh và cho xét nghiệm COVID-19 ngay lập tức và ở khắp mọi nơi: chính quyền đã mua ngay các bộ kít thử tại Hàn Quốc, dù chúng có mức giá khá cao.
Công bố lệnh chính thức cấm mọi người đi ra ngoài nếu không đeo khẩu trang. Khẩu trang ngay lập tức xuất hiện tại khắp các hiệu thuốc với mức giá tối thiểu (hoàn toàn không giống như ở Nga, ở Mỹ và ở Châu Âu), còn đến tháng 4- các tình nguyện viên đã bắt đầu phân phát khẩu trang miễn phí trên các đường phố.
Bắt giữ, tin giả, và gừng
Ngay khi Trung Quốc vừa công bố trường hợp nhiễm virus mới đầu tiên vào ngày 31/12/ 2019, Chính phủ Việt Nam đã lập tức phát lệnh: tất cả các cơ quan nhà nước, Quân đội và Cảnh sát phải sẵn sàng vào cuộc chống một đợt dịch bệnh quy mô lớn, và phải lập kế hoạch ngay từ thời điểm đó.
Trong khi tại EU và Mỹ, chính quyền chỉ hành động mạnh mẽ khi dịch lên tới đỉnh điểm, thì ở Việt Nam- họ đã hành động ngay và hành động trước.
Nhờ có những phản ứng chớp nhoáng và các biện pháp cứng rắn, tốc độ lây lan của coronavirus tại Việt Nam đã chững lại rất nhanh – con số người bịn nhiễm chỉ dừng ở mức hàng chục chứ không phải hàng nghìn người như ở nước láng giềng ngay sát nách là Trung Quốc.
Nhưng giới lãnh đạo Việt Nam không coi đây là một thành công và không ngủ vùi trên vòng nguyệt quế. Chính quyền cấm mọi chuyến bay đến các quốc gia nguy hiểm và hạn chế việc di chuyển trên khắp đất nước, hủy mọi tuyến xe khách liên tỉnh.
Thời gian cách ly những người Việt bị nhiễm virus tăng từ 14 ngày lên 20 ngày, và thậm chí trong một số trường hợp còn lên tới 40 ngày (!). Ngày 16/3, khi con số người nhiễm lên tới 60, lệnh tự cách ly toàn quốc được ban bố tại Việt Nam.
Kể từ ngày 1/4, tại Việt Nam, tất cả đều ngừng hoạt động- các quán cà phê và khu nghỉ mát ven biển bị đóng cửa, những người đi đường biến mất khỏi các đường phố, các trung tâm mua sắm và rạp chiếu phim bị khóa cửa.
Đồng thời, công an nhân dân đã bắt giữ một trăm rưỡi những kẻ phát tán thông tin sai lệch về coronavirus trên Internet, kể cả các tác giả của một đoạn video giả mạo quay cảnh người Trung Quốc dường như đang ồ ạt trốn chạy khỏi Trung Quốc để tràn sang Việt Nam.
Những kẻ rao bán “thần dược” với quảng cáo là thuốc chữa được COVID-19 cũng đã bị bắt giữ. Các nhà đầu cơ củ gừng (lan truyền tin đồn rằng loại củ này này có thể giết chết coronavirus) đã bị đưa vào trại tạm giữ không một chút do dự. Đã không còn tìm thấy kẻ nào quá hăng hái muốn vào phòng giam nữa.
“Cách ly ngân sách”
Nhà báo Việt Nam Lê Thanh Đức giải thích: “Nước Hàn Quốc giàu có có thể cho phép mình trả cho người dân một khoản tiền khá lớn để họ ngồi ở nhà, khởi động các chương trình theo dõi bệnh nhân bằng cách sử dụng điện thoại thông minh cài đặt các phần mềm ứng dụng,- Do Việt Nam nghèo hơn và không được trang bị kỹ thuật ở mức như vậy, chúng tôi đã chọn và thực hiện “mô hình ngân sách” trong việc đối phó với COVID-19- tức mô hình vừa cách ly nghiêm ngặt vừa huy động mọi nguồn ngân sách “nhàn rỗi” cho y tế.
Một ưu thế rất lớn của Việt Nam – đó là thái độ của dân chúng.
Mọi người không hề tỏ ra bất bình– họ không hề nói kiểu như là tại sao trong điều kiện thời tiết ấm áp như vậy lại không cho họ đi dạo trong các công viên và nướng thịt trên các vỉ nướng,- mà hoàn toàn ngược lại- tất cả mọi người đều đồng lòng ủng hộ chính phủ: một sự đoàn kết và thống nhất như dưới thời kháng chiến chống Mỹ.
Quả là Chủ nghĩa Xã hội có thể còn một số vấn đề, nhưng rõ ràng số lượng các vấn đề đó ít hơn nhiều so với dưới Chủ nghĩa Tư bản và “Dân chủ”.
Người Việt đã bóp chết dịch từ trong trứng. Trong tuần qua, đã không có thêm một trường hợp nhiễm coronavirus nào (!) được ghi nhận tại quốc gia này. Vào ngày 23/ 4, Việt Nam chính thức công bố dỡ bỏ nhiều biện pháp cách ly cứng rắn.
Ở các thành phố lớn, thương nhân đã được phép đi ra đường – đã được nấu món súp (nguyên văn) với thịt bò được ưa chuộng một cách khủng khiếp- món phở bò, được nấu các món mì sợi và bán trái cây.
Các quán ăn, quán cà phê và nhà hàng được mở cửa trở lại, một số trường học chuẩn bị tiếp nhận học sinh. Tuy nhiên, các quán karaoke, trung tâm mua sắm lớn, vườn bách thú và các sân vận động vẫn bị khóa cửa, các công dân vẫn có nghĩa vụ phải đeo khẩu trang và tuân thủ nghiêm ngặt quy định giữ “khoảng cách xã hội” là hai mét.
Một số khu vực cụ thể của Hà Nội được các bác sĩ xác định là “vẫn còn nguy cơ” sẽ vẫn phải bị cách ly đến ngày 30/4. Thủ tướng Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ người dân: còn quá sớm để thả lỏng.
Đại diện của WHO tại Việt Nam là ông Kidun Park đã lên tiếng xác nhận sự thành công của người Việt Nam và nói rằng: phản ứng sớm với vấn đề là yếu tố chính quyết định thành công của nước này.
Theo Baodatviet.