Biến điện thoại Android cũ thành màn hình hiển thị thông số PC

Bạn có một chiếc điện thoại Android cũ vứt đâu đó trong ngăn kéo? Thế thì hãy thử biến nó thành màn hình theo dõi chiếc PC của bạn, hiển thị các thông số về mức độ load của CPU và GPU, nhiệt độ của PC,… khi bạn chơi các tựa game yêu thích.



Nếu bạn có một ngăn kéo thế này thì đây là lúc để tái sử dụng vài chiếc​

Tại sao cần thêm màn hình điện thoại để hiển thị thông số ?
Việc theo dõi các thông số này không phải thứ gì mới, có hàng tá phần mềm trên PC có thể làm công việc hiển thị các thông số như mức độ load của CPU và GPU, nhiệt độ của các linh kiện, tốc độ quạt,…

Vấn đề là khi đang chìm đắm trong tựa game yêu thích, đột nhiên bạn để ý thấy có tiếng quạt mà không chắc đó là tiếng trong game hay tiếng phát ra từ PC của mình. Chắc chắn bạn sẽ không muốn alt + tab ra và đợi vài chục giây chuyển đổi. Trải nghiệm gián đoạn kiểu này sẽ rất khó chịu.

Bằng cách chạy app theo dõi trên điện thoại, bạn có thêm một màn hình riêng biệt hiển thị các thông số của PC. Ngoài ra bạn còn tận dụng được chiếc smartphone cũ kĩ vốn không dùng đến – giảm rác thải công nghệ, còn gì tuyệt vời hơn nữa?

Cách thực hiện
Người dùng Reddit đăng ý tưởng này – div2691 – giải thích rằng tất cả những gì bạn cần chỉ là một điện thoại chạy Android. Bạn có thể lên Play store để tải và cài đặt app có tên là Remote System Monitor (sản xuất bởi Trigone). Sau khi cài đặt, bạn sẽ nhận được liên kết để tải app trên PC bạn muốn theo dõi và cài đặt app này trên PC đó.


Đây là app bạn sẽ down về điện thoại


Đây là app bạn sẽ phải cài trên máy tính

​Miễn là thiết bị Android này và PC cùng kết nối tới 1 mạng (cùng 1 cục router) thì điện thoại sẽ lấy thông số liên tục từ máy tính và hiển thị trên màn hình. Một điểm trừ nho nhỏ là điện thoại sẽ hiển thị quảng cáo, nhưng chỉ cần một khoản đóng góp nho nhỏ là bạn có thể loại bỏ chúng vĩnh viễn rồi. Nghe cũng hợp lí nhỉ ?

Mỗi khi chơi một tựa game AAA nào đó và nghe thấy tiếng quạt, bạn chỉ cần liếc qua chiếc điện thoại là biết ngay là tiếng đó trong game hay là dàn máy của bạn đang kêu gào. Hơn thế nữa, nếu bạn chơi game bị giật và nghi ngờ hệ thống bị nghẽn cổ chai, bạn có thể vừa chơi vừa theo dõi mức độ load của CPU và GPU và bắt bệnh ngay lập tức. Quá là tiện phải không ?

Cẩn thận quá nhiệt!
Bạn có thể để chiếc điện thoại ở đâu tuỳ ý, nhưng nếu muốn để trong case như ảnh mà div2691 đăng, bạn cần chú ý vấn đề nhiệt độ. Việc điện thoại phải bật 24/7 cộng thêm để trong thùng máy có thể làm chiếc điện thoại quá nóng và pin có thể phát nổ.


Để điện thoại trong thùng máy, trông đẹp nhưng nguy hiểm​

Đương nhiên, div2691 đã biết vấn đề này, anh ta giải thích rằng ban đầu đã luôn để điện thoại bật nhưng nó “thực sự nóng”, “do đó, tôi đã cài đặt điện thoại luôn bật khi sạc nhưng sẽ tự tắt sau 15 giây không hoạt động. Bằng cách này, sau khi tắt máy, chiếc Android cũng sẽ tự tắt theo và ngừng toả nhiệt”. Các bạn cần cài đặt trong BiOS máy tính tuỳ chọn tắt điện cổng USB khi tắt nguồn để cách này hoạt động.

Nhưng nhìn chung, để điện thoại trong thùng PC vốn cũng nóng khi máy hoạt động là hơi mạo hiểm, các bạn có thể tự chấp nhận rủi ro và làm theo. Tuy nhiên sẽ tốt hơn nếu bạn để điện thoại bên ngoài thùng máy, cạnh màn hình chính (có thể trên giá đỡ tự chế nào đó) và chỉ cắm sạc khi cần.

Đương nhiên, tuổi thọ chiếc Android sẽ giảm nên là cách này chỉ phù hợp với các thiết bị cũ mà dù sao bạn cũng không dùng tới. Tận dụng – thay vì bỏ xó một thiết bị từng có giá vài (chục) triệu.

Theo tinhte

Trả lời