Clip cô gái áo đen bị “ATM gạo” của anh Hoàng Tuấn Anh từ chối phục vụ, nhân viên phát loa mời ra ngoài lan truyền trên mạng xã hội đã gây phản ứng dư luận.
Nhiều ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip người đến xếp hàng tại cây “ATM gạo” đặt tại TP.HCM bị yêu cầu ra khỏi vị trí nhận.
Ngay lập tức, cư dân mạng tìm đến tận nhà để chia sẻ và giúp đỡ người này vượt qua giai đoạn khó khăn trong mùa dịch.
Sự việc chưa lắng xuống thì lại xuất hiện tài khoản Facebook có tên Vũ Uyên Nhi đăng dòng tâm trạng phân trần rằng, nhân viên từ chối phát gạo do công ty tín nhiệm nên được giao toàn quyền quyết định.
Nếu thấy ai khả nghi, nhân viên sẽ mời ra khỏi khu vực nhận gạo. Tài khoản Facebook này còn hướng dẫn người đến nhận gạo nên ăn mặc giống người nghèo, tốt nhất đi bộ hoặc đi xe đạp,… để tránh mất lòng.
Một tài khoản cùng tên Vũ Uyên Nhi xúc phạm người nhận gạo là người đồng tính (LGBT). Những dòng tâm trạng này đã khiến nhiều người càng bức xúc thêm vì cho rằng đơn vị phát gạo đã có sự phân biệt, đối xử với người nhận gạo.
Về vấn đề này, anh Hoàng Tuấn Anh, chủ ‘ATM gạo’ Vườn Lài, quận Tân Phú xác nhận sự việc xảy ra đã 10 ngày trước. Thời điểm đó áp lực rất lớn, mỗi ngày ‘ATM gạo’ Vườn Lài tiếp nhận 5-6 nghìn người đến nhận gạo miễn phí. Có thể quá tải công việc, thời gian hoạt động đến 24/24h nên việc điều hành có vấn đề.
“Với trách nhiệm là người điều hành cao nhất tôi nhận sai xót và gửi lời xin lỗi chân thành đến cô gái. Chúng tôi rất mong mọi người thông cảm và xin khẳng định rằng, khi phát gạo không phân biệt giàu nghèo, mà bất cứ những người gặp khó khăn trong mùa dịch đều được nhận” – anh Tuấn Anh bày tỏ.
Ông chủ ‘ATM gạo’ cho biết, sau khi clip trên được đăng tải trên mạng xã hội, công ty đã họp online chấn chỉnh không để xảy ra tình trạng tương tự.
Ngoài ra, công ty cũng yêu cầu nhân viên không nên phát biểu hay ý kiến gì nếu có dư luận trái chiều về việc từ chối cho nhận gạo.
Còn về những dòng trạng thái phản cảm đăng tải trên mạng được nhiều người cho rằng của nhân viên công ty, anh khẳng định là do ai đó cố tình bịa đặt. Nhân viên công ty không có ai tên Vũ Uyên Nhi.
“Hiện chúng tôi đã yêu cầu Công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú vào cuộc điều tra việc liên quan đến dòng trạng thái trên” – anh Tuấn Anh nhấn mạnh.
Có nhóm cải trang nhận gạo nhiều lần
Ông chủ ‘ATM gạo’ Vườn Lài cũng cho biết, những ngày qua có rất nhiều trường hợp nhận 2-3 lần nhưng phía nhân viên vẫn cho qua vì thấy họ khó khăn. Tuy nhiên, khó khăn nhưng họ đến nhận quá nhiều lần thì không thể chấp nhận.
Thực tế, có hiện tượng tụ tập thành 5, 10 người và mang theo cả túi quần áo để cải trang. Cứ 15 phút thì họ đến nhận một lần rồi đến các điểm khác nữa thì họ nhận được vài trăm ký gạo.
“Nếu Mạnh Thường Quân nhìn thấy như vậy thì có chấp nhận không? Ngay từ đầu, công ty đã thông báo rõ ràng sẽ nhận diện những người nhận gạo chuyên nghiệp. Trong thời điểm dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của tất cả mọi người, doanh nghiệp.
Mạnh Thường Quân đang bỏ những đồng tiền xương máu cuối cùng của họ ra để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn họ. Họ ủng hộ vì thấy rằng tôi đang truyền lượng gạo này đến đúng người.
Một điểm mình thất thoát vài chục kg nhân với số lượng hàng chục điểm phát gạo khác thì mỗi ngày mất vài tấn gạo. Như vậy, số gạo mất đồng nghĩa với hàng nghìn người khó khăn sẽ mất đi phần gạo này.
Đây là thời điểm không dư dả thì mình cần phải cần kiệm, cho đúng người. Nếu lúc khác thì mình cho ai, bao nhiêu chẳng được”- anh Tuấn Anh trải lòng.
Ông chủ ‘ATM gạo’ cho biết, hiện tại công ty đang tuyển hàng chục lao động làm việc tại các điểm phát gạo tự động miễn phí. Do vậy, những người trẻ, có sức khỏe khi đến ‘ATM gạo’, phía công ty sẽ tiếp cận và tạo điều kiện cho họ cần câu thay vì con cá.
“Không thể ngày nào họ cũng đi xin gạo về để nuôi gia đình như vậy, trong khi mình có công việc làm cho họ. Họ có thể vào đây để khuân gạo hoặc vận hành với mức lương 6-7 triệu đồng.
Như vậy, họ có thể làm việc thiện, lại có thu nhập và quan trọng hơn có thể giúp được cho gia đình, cho xã hội trong lúc này” – ông chủ ‘ATM gạo’ nhìn nhận.
Anh cũng khẳng định ‘ATM gạo’ có giá trị cốt lõi là sự lan tỏa, tương trợ lẫn nhau giữa Mạnh Thường Quân với người cần giúp đỡ. Công việc của anh chỉ đưa ra giải pháp, chi phí tài chính rất là nhỏ. Anh chỉ là đơn vị cung cấp công nghệ để tạo cầu nối giữa người cho và người nhận được an toàn, văn minh.
Biết sai nhận sai là tốt, hy vọng “ATM gạo” này sẽ lan tỏa rộng ra cả nước cũng như trên thế giới để giúp những người yếu thế chống chọi qua mùa dịch COVID-19 này. Bên cạnh đó cũng rất đáng giận và đáng trách những kẻ tham lam, vô liêm sỉ lợi dụng lòng tốt của Mạnh Thường Quân mà gom gạo, tung tin rác để làm lợi cho bản thân bất chấp tình hình dịch bệnh và khó khăn của những người khác.
Tham khảo từ Vietnamnet