Xôn xao Tiki sáp nhập Sendo, chờ tên tuổi lớn thay đổi cuộc chơi

Theo DealstreetAsia, hai ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử Tiki và Sendo đã đạt được thỏa thuận sáp nhập.

Theo nguồn tin từ một trong những người liên quan thương vụ tiết lộ, hai trang thương mại điện tử Tiki và Sendo đã đồng ý sáp nhập. Cả hai bên đã tham khảo ý kiến của các cơ quan cạnh tranh, thuộc Bộ Công Thương, điều đó có nghĩa là việc sáp nhập có thể xảy ra trong tương lai gần.

Mặc dù vẫn còn chưa rõ về những thông tin chi tiết về thương vụ sáp nhập và cấu trúc thỏa thuận, nhưng có thể hiểu rằng hai thương hiệu này sẽ được giữ lại dưới sự kiểm soát của 1 công ty holding. Trước đó vào tháng 2, một nguồn tin rò rỉ cho biết hai trang đang đàm phán để tiến đến việc về chung một nhà.

htcomo.com

Giới quan sát ngành thương mại điện tử cho rằng trong thương vụ sáp nhập này, Tiki và Sendo có thể không nhập hai hoạt động làm một, vì hai công ty có mô hình kinh doanh và tệp khách hàng khác nhau. Việc sáp nhập có thể là mối đe doạ đáng kể cho các đối thủ trong khu vực như Lazada hay Shopee.

Tiki hoạt động theo hai mô hình: doanh nghiệp kinh doanh (B2C) và doanh nghiệp khách hàng (C2C). Hiện Tiki đang phục vụ hơn 300.000 người bán và 10 triệu người mua. Không giống như đối thủ, Sendo tập trung vào tệp khách hàng ở các khu vực ngoài thành thị, đặc biệt là vùng nông thôn.

Vào tháng 9/2012, Sendo.vn ra mắt người tiêu dùng, xuất thân là một dự án Thương mại Điện tử do Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) phát triển. Đến ngày 13/5/2014, Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ được thành lập, trực thuộc Tập đoàn FPT, là đơn vị chủ quản Siêu Chợ Sen Đỏ.

Được thành lập vào đầu năm 2010, Tiki hiện là trang TMĐT nằm trong top 10 tại khu vực Đông Nam Á. Hệ sinh thái kinh doanh bao gồm các thành viên như đơn vị bán lẻ Tiki Trading và Sàn giao dịch cung cấp 10 triệu sản phẩm, dịch vụ vé Ticketbox và TikiNOW Smart Logistics cung cấp dịch vụ đầu cuối.

Đấu với ông lớn

Kết thúc năm 2019, nhóm “tứ đại gia” của thị trường thương mại điện tử Việt Nam được xác định là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Quy mô thị trường đạt tới 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 81% – nhanh thứ 2 tại Đông Nam Á.

Theo báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Company, thi trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 23 tỉ USD vào năm 2025.

Theo thống kê quý III/2019 của iPrice, Shopee và Sendo nổi lên như hai nền tảng thương mại điện tử lớn nhất của Việt Nam theo lưu lượng truy cập web. Trong khi Tiki tụt xuống vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng này, từ 33,7 triệu trong quý II/2019 xuống 27,1 triệu trong quý III/2019.

Thương mại điện tử: Ai sống sót qua 2020

Câu chuyện đốt tiền trong lĩnh vực thương mại điện tử chưa bao giờ là cũ và lỗi thời, đặc biệt với nhóm “tứ trụ” trong ngành. Sự khác biệt, nếu có, là các nền tảng đang tìm cách định hình lại bản thân, với một phong cách tiếp cận riêng thay vì khuyến mại ồ ạt như trước. Lĩnh vực này cũng đang bị kìm hãm bởi các vấn đề như hậu cần và thiếu niềm tin của khách hàng.

Báo cáo thường niên của VNG – một trong những cổ đông lớn nhất nắm 24% của Tiki – vừa hé lộ con số lỗ khổng lồ của trang thương mại điện tử này năm 2019 với gần 1.800 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước công ty này chỉ lỗ hơn 750 tỷ đồng. Mức lỗ của Tiki cũng tiệm cận với hai tên tuổi lớn trong lĩnh vực này là Lazada và Shopee, với khoản lỗ năm 2018 lần lượt là 1.773 tỷ và 1.901 tỷ đồng.

Trong khi đó, chia sẻ với truyền thông, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT – ông Nguyễn Thế Phương – khẳng định: “Sendo là một sàn thương mại điện tử, ở Việt Nam có rất nhiều đơn vị và cạnh tranh khốc liệt. Trong bối cảnh này thì lỗ là chuyện bình thường”.

Một số nền tảng thương mại điện tử nhỏ hơn gần đây đã rời cuộc chơi là Adayroi của Tập đoàn Vingroup, trang bán hàng trực tuyến của Lotte và công ty khởi nghiệp thương mại điện tử Leflair có trụ sở tại Việt Nam đầu năm nay.

Theo Vietnamnet.

Trả lời